Chính quyền số là gì?
Chính quyền số là chính phủ số được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Tất cả hoạt động của các cơ quan ở các cấp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác hoặc cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn. Các tỉnh đã, đang xây dựng và phát triển Chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Chính quyền số là một trong 3 nhiệm vụ chính của chuyển đổi số quốc gia ( chính phủ số, kinh tế số và xã hội số). Hiện đang triển khai giai đoạn 2023 – 2025, và xa hơn là 2030 theo mục tiêu của thủ tướng chính phủ.
Theo Quyết định số 06 QĐ-TTg 2022 đưa ra mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2023-2025, tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính về cư trú, hộ tịch, xuất nhập cảnh, cấp căn cước công dân. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân được lưu trữ điện tử với số định danh cá nhân là một thông tin bắt buộc phục vụ cho kết nối, chia sẻ, tái sử dụng…
Một số nhiệm vụ và giải pháp của chính quyền số
- Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các tỉnh
- Xây dựng chính quyền điện từ và Đô thị thông minh
- Xây dựng các hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực chuyên ngành
- Số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các Cơ quan nhà nước, chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, Xây dựng Cổng dữ liệu và kho dữ liệu số của tỉnh.
- Cung cấp các tính năng, tiện ích trên thiết bị điện thoại di động thông minh
- Phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.
- Hoàn thiện Cổng dịch vụ công của các tỉnh, kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia, xây dựng đưa thủ tục hành chính đủ lên mức độ 4
- Triển khai các nền tảng dùng chung, hình thành không gian làm việc số cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành, xử lý nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước của Tỉnh.
Thách thức trong việc triển khai chính phủ số là gì?
Chính phủ số xử lý văn bản không giấy, họp không gặp mặt, xử lý thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là sự thay đổi.
Đối với mỗi cơ quan, tổ chức, sự thay đổi chỉ có thể bắt đầu từ người đứng đầu. Thách thức lớn nhất cho cơ quan nhà nước là nhận thức và sự vào cuộc thực sự của người đứng đầu, là chuyện dám làm hay không dám làm. Vấn đề về thay đổi thói quen từ giấy tờ chuyển sang thực hiện hoàn toàn trên máy tính, dịch vụ công.
Đối với mỗi người dân, sự thay đổi đòi hỏi thay đổi kỹ năng và thói quen. Thách thức lớn nhất cho xã hội trước mắt là kỹ năng số của người dân, sau đó là thói quen và văn hóa sống trong môi trường số. Rào cản về việc tiếp nhận công nghệ, hành vi và đổi mới trong cách thức cũ sang mới.
Đối với mỗi doanh nghiệp, sự thay đổi đòi hỏi phải triển khai các giải pháp công nghệ số, có những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ. Thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp là môi trường pháp lý để triển khai.